Nguyên tắc cơ bản để phân biệt các loại năng lượng là sự phân biệt giữa “năng lượng sơ cấp” và “năng lượng cuối cùng”, có tác động lớn đến việc lựa chọn chính sách năng lượng. Tạp chí Năng lượng Mới giới thiệu bài viết của Samuel Furfari, giáo sư tại Đại học Tự do Brussels (ULB), về vấn đề này.

Sự khác biệt về năng lượng

Năng lượng sơ cấp là năng lượng thô có trong các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than, dầu, khí đốt, uranium, sinh khối, gió, mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Trong hầu hết các thống kê trên thế giới, năng lượng sơ cấp đến từ các nguồn được phân bố rộng rãi trong các nhóm dân cư nghèo nhất – đó là gỗ và chất thải gỗ, rơm rạ, than củi, phân động vật sấy khô – không được tính.

Lâu nay người ta vẫn đánh đồng năng lượng tái tạo chỉ là liên quan đến điện gió và mặt trời

Vì năng lượng sơ cấp thường không dễ sử dụng (dầu từ giếng không thể được đưa trực tiếp vào động cơ…), nó cần được chuyển đổi chủ yếu trong các nhà máy điện và nhà máy lọc dầu. Ở mỗi giai đoạn biến đổi, năng lượng sẽ suy giảm. Cần lưu ý rằng, trong một số trường hợp nhất định, năng lượng sơ cấp có thể sử dụng được mà không chuyển hóa, ví dụ như khi khí đốt tự nhiên hoặc gỗ được đốt để sưởi ấm…

Năng lượng cuối cùng được cung cấp cho người tiêu dùng cuối cùng. Do đó, lượng năng lượng cuối cùng luôn thấp hơn lượng năng lượng sơ cấp (tổn thất liên quan đến các quy trình chuyển hóa có thể và vận chuyển). Năng lượng cuối cùng thường đáp ứng mục đích sử dụng: Sản xuất hơi nóng và hơi lạnh, được gọi là “sử dụng cố định”, cho nhu cầu sinh hoạt (sưởi ấm, đun nước nóng sinh hoạt hoặc làm mát nhà) hoặc cho công nghiệp (lò nướng công nghiệp…), sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch hoặc sinh khối (gỗ).

Bên cạnh đó, giao thông vận tải phụ thuộc 94% vào các sản phẩm dầu mỏ (sản phẩm đạt được sau quá trình chuyển hóa dầu thô trong nhà máy lọc dầu). Điện được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch (bên cạnh điện hạt nhân, thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo khác).

Năng lượng qua những thống kê

Hầu hết dữ liệu về năng lượng được sử dụng đến từ Eurostat của Ủy ban châu Âu (EC), nơi thu thập và xử lý số liệu thống kê từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Có nhiều cơ sở dữ liệu khác: Enerdata, Cơ quan Năng lượng quốc tế, đánh giá thống kê của BP (một trong những nguồn thông tin tốt nhất về năng lượng, được các tổ chức phi chính phủ về môi trường sử dụng), Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ…

Biểu đồ mô tả mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở châu Âu năm 2018

Trong EU (không bao gồm Anh), hơn 1/3 năng lượng bị tiêu hao trong quá trình chuyển từ năng lượng sơ cấp thành năng lượng cuối cùng, theo dữ liệu mới nhất của Eurostat công bố tháng 7-2020.

Cũng cần lưu ý rằng, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong các chỉ thị của châu Âu được biểu hiện bằng % trên tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Do đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo này có thể tăng bằng cách tăng tử số, tức là bằng cách tạo ra nhiều năng lượng tái tạo hơn, hoặc bằng cách giảm mẫu số, tức là bằng cách giảm tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 đã dẫn đến việc giảm tiêu thụ năng lượng cuối cùng, do đó sẽ giúp EU có thể tiếp cận mục tiêu 20% năng lượng tái tạo vào năm 2020.

Trong trí tưởng tượng của mọi người, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông, năng lượng thường được liên tưởng đến điện năng. Theo nhiều người, tỷ lệ năng lượng tái tạo không liên tục (điện gió, mặt trời…) ngày càng tăng và đôi khi tăng rất đáng kể, nhưng họ không biết rằng, điện chỉ chiếm 23% năng lượng tiêu thụ cuối cùng vào năm 2018. Nói cách khác, khi chúng ta chỉ quan tâm đến điện năng, chúng ta đã bỏ qua hơn 3/4 năng lượng mà chúng ta tiêu thụ. Dĩ nhiên, chúng ta kỳ vọng trong trung hạn sẽ có nhiều điện năng tiêu thụ cuối cùng hơn và do đó tỷ trọng này sẽ tăng lên. Nhưng liệu chúng ta có thể nghĩ một cách hợp lý rằng, chúng ta cũng sẽ sưởi ấm 180 triệu ngôi nhà ở châu Âu bằng các nguồn điện tái tạo không liên tục?

Hãy xem xét kỹ hơn về dữ liệu điện. Năng lượng tái tạo chiếm khoảng 1/3 sản lượng điện năm 2018 (theo số liệu mới nhất của Eurostat) và riêng thủy điện chiếm 38% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (thuật ngữ “năng lượng tái tạo” thường bị coi là đồng nghĩa với điện gió và điện mặt trời một cách nhầm lẫn). Nhiều người đang lên tiếng đề nghị không nên coi lĩnh vực thủy điện là năng lượng tái tạo, bởi vì nó phá vỡ môi trường, bằng cách làm ngập vùng thượng nguồn khi tích nước và làm lụt các vùng hạ nguồn khi xả nước.

Vào năm 2018, năng lượng tái tạo được nói rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng chỉ chiếm 2,5% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở trong các quốc gia thành viên EU (1,4% ở Pháp, 1,8% ở Bỉ và 4,3% ở Đức…).

Tỷ lệ năng lượng tái tạo đã tăng lên đáng kể ở châu Âu trong nửa đầu năm 2020, trong khi tiêu thụ điện giảm khoảng 7% trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng Covid-19. Điện gió và điện mặt trời được nối vào mạng lưới cũng tăng do được hưởng lợi từ điều kiện thời tiết thuận lợi. Tổng cộng, điện gió và điện mặt trời chiếm gần 20,2% sản lượng điện ở EU trong nửa đầu năm 2020, theo số liệu từ Ember (vẫn ít hơn điện hạt nhân, nguồn điện chính của EU).

Năm 2018, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 2,5% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở trong các quốc gia thành viên EU (1,4% ở Pháp, 1,8% ở Bỉ và 4,3% ở Đức…). Trong nửa đầu năm 2020, điện gió và điện mặt trời chiếm gần 20,2% sản lượng điện ở EU, theo số liệu từ Ember.

Theo: nangluongquocte.petrotimes.vn

Toạ đàm trực tuyến “Chuyển dịch năng lượng sạch – xu thế tất yếu và lợi ích cho địa phương” với sự tham gia của 8 điểm cầu Hà Tĩnh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã thảo luận về những thách thức và rào cản cho phát triển năng lượng sạch; đề xuất các giải pháp, sáng kiến đột phá để thúc đẩy năng lượng sạch, đảm bảo bền vững ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Toạ đàm do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam và các đối tác tổ chức ngày 18/9.

Các đại biểu tham dự Toạ đàm tại điểm cầu Hà Tĩnh. 

Nắm bắt xu thế phát triển năng lượng, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành một số chủ trương, chính sách và cơ chế, trong đó xác định chiến lược phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tạo những thúc đẩy mạnh mẽ trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Nghị quyết nêu nhiệm vụ quan trọng là xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế.

Từ các chủ trương khuyến khích của nhà nước, gần đây, nhiều dự án điện gió và mặt trời cũng được gia tăng, bổ sung vào quy hoạch điện. Tính đến tháng 6 năm 2020, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện Việt Nam với khoảng 5.500MW. Trong đó, Miền Trung là khu vực có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn. Với cơ chế hỗ trợ giá đối với các loại hình năng lượng tái tạo, khu vực này đã ghi nhận các dự án với gần 3.000 MW điện năng lượng tái tạo đi vào vận hành, riêng điện mặt trời là khoảng 1.160 MW.

Nghị quyết số 55-NQ/TW xác định ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện.
(Ảnh minh hoạ. Nguồn: TTXVN)

Tại Toạ đàm, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận về một số nội dung: Cập nhật tiến bộ về chuyển dịch năng lượng sạch trên thế giới, Việt Nam và khu vực Bắc Trung Bộ; các thách thức và rào cản trong phát triển năng lượng sạch ở khu vực Bắc Trung Bộ; lợi thế, cơ hội, lợi ích của phát triển năng lượng bền vững đối với đảm bảo an ninh năng lượng, thu hút đầu tư, tạo việc làm, phục hồi và tăng trưởng kinh tế xanh; giải pháp, sáng kiến đột phá để thúc đẩy năng lượng sạch, đảm bảo công bằng và bền vững ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Thông qua tọa đàm góp phần giúp các địa phương khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng./.

Trích nguồn: Dangcongsan.vn