Đã có rất nhiều thành phố và quốc gia cam kết chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo; Năng lượng tái tạo có liên quan đến nền tảng công nghệ blockchain; Xe điện sẽ chiếm đến 1/3 lượng xe chạy trên đường phố. Đó là những thực tế ít người biết về năng lượng tái tạo.

Loài người đang tận dụng năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia năng lượng cho rằng năng lượng tái tạo đã bắt đầu chạm đến mọi ngóc ngách của cuộc sống con người – biểu hiện rõ nhất là khi các tấm năng lượng mặt trời được lắp trên mái nhà chúng ta và các loại xe điện chạy nhan nhản trên đường phố. Thực tế, ngày đó vẫn chưa đến, nhưng nhờ việc đạt được những bước tiến dài trong việc làm giảm chi phí, ngàng công nghiệp năng lượng thay thế hiện nay đang chiếm một vị trí nổi bật trong chiến lược an ninh năng lượng của các quốc gia.

Dù năng lượng hóa thạch vẫn giữ một vị trí chủ đạo, nhưng với nhu cầu và lợi ích về nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng cao thì dầu mỏ và khí gas sẽ dần mất vai trò của mình. Đây là cơ sở để tin rằng năng lượng tái tạo sẽ ngày càng phổ biến trong cuộc sống con người.

Nhu cầu trên toàn thế giới về ethanol đang ngày càng tăng

Phá kỷ lục 1,2 tỷ gallon (hơn 4,5 tỷ lít) năm 2011, Mỹ đã xuất khẩu 1,4 tỷ gallon ethanol năm 2017, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA). Phần lớn nhu cầu về ethanol là từ Brazil, lượng ethanol nhập khẩu vào quốc gia này đã tăng trong 4 năm liên tục, đạt 450 tỷ gallon trong năm 2017, chiếm khoản 1/3 tổng lượng ethanol xuất khẩu của Mỹ.

Mỹ không còn tham gia vào Hiệp định Paris về Khí hậu, nhưng họ vẫn có thể tự hào về thành phố Minneapolis và 64 thành phố khác

Mặc dù Mỹ không còn tham gia vào Hiệp định Paris về Khí hậu, nhưng các nhà chính trị ở Mỹ đang thể hiện cam kết của mình với vấn đề năng lượng tái tạo. Điển hình như hồi cuối tháng 4, Minneapolis trở thành thành phố thứ 65 tuyên bố chiến lược chuyển sang sử dụng 100% năng lượng sạch, và quyết tâm hoàn thành việc chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trước năm 2030. Theo tổ chức môi trường Sierra Club, có năm thành phố bao gồm Aspen, Colorado, Burlington, Vermont đã đạt được mục tiêu chuyển sang sử dụng hoàn toàn 100% năng lượng tái tạo.

Bên cạnh rất nhiều thành phố ở Mỹ thể hiện quyết tâm chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các loại năng lượng tái tạo khác, thì hiện cũng có 9 quốc gia và một bang của Mỹ (Hawaii) đã cam kết chuyển sang sử dụng 100% năng lượng sạch.

Xu thế phát triển các loại xe điện vẫn sẽ tiếp diễn và tốc độ nhanh hơn

Hiện nay bạn có thể chưa thường xuyên bắt gặp hình ảnh các loại xe điện (EV) lưu thông trên đường, nhưng cảnh tượng đó sẽ sớm xuất hiện trong tương lai. Theo một báo cáo gần đây của Bloomberg New Energy Finance, thì tổng số xe điện tiêu thụ trên toàn cầu sẽ tăng từ 1,1 triệu chiếc năm 2017 lên 11 triệu chiếc năm 2025 và lên đến 30 triệu chiếc vào năm 2030. Hơn nữa, dự báo này cũng khẳng định “đến 2040, 55% tổng số xe mới được bán ra thì có 33% số đó là xe điện”.

Mặc dù Tesla luôn là cái tên đầu tiên được nhắc đến khi nói về vấn đề chuyển xe thông thường sang sử dụng EV, nhưng hiện cũng có rất nhiều nhà sản xuất ô tô tên tuổi đang quan tâm đến vấn đề này. Điển hình như General Motors hồi tháng 10 năm ngoái đã công bố kế hoạch bán ra ít nhất là 20 mẫu xe hoàn toàn chạy điện mới vào năm 2023 nhằm hướng đến tương lai chỉ sản xuất những loại xe hoàn toàn không xả ra khí thải, chỉ sử dụng điện. Hơn nữa, Volkswagen AG cũng đang rất khao khát sản xuất xe điện để đáp ứng nhu cầu rất lớn của loại xe này; tập đoàn này đang lên kết hoạch bán đến tay người dùng các phiên bản xe chạy hoàn toàn bằng điện trong các sản phẩm của họ đến năm 2030.

Là “người mới đến” với công nghệ blockchain

Công nghệ blockchain có nguồn gốc từ lĩnh vực tài chính, nhưng rất nhiều ngành khác – trong đó có cả ngành năng lượng tái tạo – cũng đang tìm cách chen chân vào công nghệ nền tảng phân tán này. Ví dụ, công ty tư nhân Conjule đang sử dụng nền tảng blockchain để thực hiện giao dịch thương mại ngang hàng nguồn năng lượng dư thừa do các tấm pin mặt trời tạo ra mà các hộ gia đình sử dụng không hết. Ở quy mô lớn hơn, nhiều công ty và tổ chức cũng đang tìm cách sử dụng các giải pháp trên nền tảng blockchain, từ giao dịch buôn bán năng lượng cho đến sạc các loại xe EV. Trung tâm nghiên cứu Navigant Research dự đoán rằng tổng chi tiêu của các công ty cho các nền tảng công nghệ blockchain sẽ đạt 3,7 tỷ USD vào năm 2026.

Lợi thế cạnh tranh đang nghiêng về năng lượng sạch

Coca-Cola và Burlington Northern Santa Fe là hai dự án đầu tư nổi tiếng nhất của tỷ phú Warren Buffett, nhưng “Nhà tiên tri xứ Omaha” (Biệt danh của ông Warrant Buffett) cũng là một trong những người vận động ủng hộ sử dụng năng lượng tái tạo nổi tiếng nhất. MidAmerican Energy Company, một công ty con của tập đoàn Berkshire Hathaway đặt ra mục tiêu dài hạn là cung cấp 100% năng lượng tái tạo cho các khách hàng của họ.

Để minh họa cho sự tiên phong của họ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, MidAmerican đã đăng trên website của mình rằng “không một tổ chức có điều chỉnh tốc độ nào khác ở Mỹ có năng lực sản xuất điện gió lớn hơn chúng tôi”. Và công ty năng lượng này cũng chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu này thể hiện họ sẽ giảm các cam kết của mình: MidAmerican hiện đang thực hiện một dự án điện gió 2.000 megawatt có tên Wind XI, dự án này dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019.

Việc sử dụng năng lượng sạch hiện nay đa dạng hơn rất nhiều so với thời những người Ai Cập cổ đại, những người đã biết tận dụng sức gió để cho thuyền đi lại trên sông Nile. Mặc dù rất nhiều nhà đầu tư thừa nhận rằng các khoản đầu tư vào năng lượng sạch giúp tạo ra nhiều cơ hội đã xuất hiện gần đây, nhưng có rất nhiều khả năng những cơ hội này sẽ tiếp tục tăng lên khi nguồn năng lượng thay thế chiếm một tỷ lệ lớn hơn nhiều trong bức tranh tổng quan về năng lượng.

Trong bối cảnh nhu cầu về nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội ngày càng lớn, năng lượng tái tạo đang được doanh nghiệp Việt lựa chọn là bước đi chiến lược trên một sân chơi lớn.

Tiềm năng phát triển ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam

Việt Nam nằm ở vị trí địa lý khá thuận lợi cho việc phát triển nguồn năng lượng điện gió, thuộc vùng khí hậu gió mùa, được định hình bởi đường bờ biển dài hơn 3.000 km. 39% lãnh thổ có tốc độ gió lớn hơn 6m/s, tương đương tiềm năng sản lượng điện gió 513 GW. Đặc biệt, khoảng 10% trong số đó, được coi là có tiềm năng năng lượng điện gió rất lớn nằm tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và Nam Bộ.

Các dự án điện gió hứa hẹn sẽ tạo giá trị lớn và bền vững cho doanh nghiệp trong năm 2020 và các năm tiếp theo

Trong bối cảnh tài nguyên năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt và gây ô nhiêm môi trường, sản lượng dự trữ dầu thô và các mỏ dầu khí truyền thống như Bạch Hổ, Sư Tử, Rồng, Ruby đang sụt giảm; xu hướng thúc đẩy sản xuất điện từ năng lượng tái tạo trở thành xu hướng tất yếu.

Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã quy hoạch công suất hệ thống điện quốc gia phải đạt 60 GW vào năm 2020, trong đó tỷ trọng năng lượng tái tạo là 9.9%. Tuy nhiên tổng công suất đến thời điểm này chỉ đạt 56 GW, thấp hơn khoảng 4 GW theo con số được phê duyệt.

Cũng theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến phải bổ sung nguồn cung cấp điện ít nhất 32 GW, chủ yếu từ các dự án điện than và điện khí, tuy nhiên các dự án này đến nay thường bị chậm 3-4 năm, dự báo năm 2023 sẽ thiếu hụt 13 GW và 2025 thiếu hụt khoảng 8 GW nguồn điện. Tại tờ trình số 1931 ngày 19/3/2020 Bộ công thương đã đề xuất chính phủ bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, tương đương 11.6 GW. Đồng thời tại Tờ trình 3299/BCT-ĐL ngày 08/05/2020 Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió theo Quyết định 39 tới hết ngày 31/12/2023 nhằm tạo niềm tin và động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

Với cơ chế giá FIT ưu đãi được kéo dài thêm 2 năm, sẽ tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam phát triển sau một thời gian trầm lắng do giá thấp. Trong văn bản kiến nghị mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng với tiềm năng lớn, điện gió sẽ là một trong những nguồn điện quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn 2021 – 2025, bù đắp vào phần thiếu hụt do nhiều dự án nguồn điện lớn khác đang chậm tiến độ.

Phát biểu trong chương trình thảo luận về chủ đề dự báo kinh tế vĩ mô Việt Nam, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ: “Năng lượng sạch – Năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới được chú ý trong vài năm gần đây. Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) xác định từ năm 2020 tới năm 2023 sẽ xảy ra thiếu điện nghiêm trọng nếu các dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh tiếp tục bị chậm tiến độ. Vấn đề thiếu điện sẽ trở thành sự đe dọa cho tình hình sản xuất kinh doanh, gây khó khăn kép cho nền kinh tế cả nước. Bên cạnh việc giải quyết bài toán năng lượng lâu dài cho quốc gia, việc đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi và kinh tế biển sẽ góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và lãnh hải, thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhà thầu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, còn có thể tận dụng công nghệ và thiết bị xây dựng góp phần chuyển giao, bổ sung chiến lược và lao động hiện có của các ngành vận tải biển và cảng, thăm dò và khảo sát biển”.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường về lĩnh vực năng lượng tái tạo, hiện nay có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gia nhập lĩnh vực tiềm năng sinh lợi cao này như Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn BIM, Tập đoàn Xuân Cầu, Công ty Pacific, Công ty FECON, Tập đoàn Thành Công Group, BCG Bamboo Capital, Tập đoàn Trường Thành hay Tập đoàn Hà Đô…

Bước đi chiến lược của những doanh nghiệp Việt nhìn xa

Với thế mạnh là nhà thầu uy tín tại Việt Nam, Công ty cổ phần FECON (mã FCN – sàn HoSE đã có những quyết sách chuyển mình nhịp nhàng theo xu hướng và nhu cầu của thị trường chung. Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra vào ngày 18/6/2020, FECON đã tuyên bố chiến lược vươn lên thành nhà thầu xây dựng công nghiệp và hạ tầng hàng đầu Việt Nam và nhà đầu tư dự án uy tín theo chuẩn quốc tế dựa trên năng lực xuất sắc về nền, móng và công trình ngầm. FECON đặt mục tiêu chinh phục lĩnh vực xây dựng công nghiệp và đầu tư dự án năng lượng tái tạo với nhiều dự án điện gió, điện mặt trời tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.

Cho đến thời điểm này, FECON đã thi công hoàn thành 4 dự án điện mặt trời, trúng thầu 4 dự án điện gió, đã đầu tư hoàn thành 1 dự án điện mặt trời và đang chuẩn bị tham gia đầu tư một dự án điện gió công suất 120 MW tại tỉnh Sóc Trăng, đồng thời công ty tiếp tục nghiên cứu đầu tư 2 dự án điện gió và 2 dự án điện mặt trời với tổng công suất 5 dự án sau khi hoàn thành khoảng 700 MW.

Theo đánh giá từ Công ty cổ phần chứng khoán Dầu khí (PSI), việc phát triển năng lượng tái tạo đang là xu hướng tất yếu trong tương lai của toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, dự kiến nhu cầu điện tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt sau khi Việt Nam đã chính thức đạt được các thỏa thuận CPTPP, EVFTA cũng như đang được đánh giá là quốc gia hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung vẫn đang leo thang.

Trên thị trường chứng khoán niêm yết hiện nay có gần 30 doanh nghiệp sản xuất điện, hầu hết là các doanh nghiệp nhiệt điện than, nhiệt điện khí và thủy điện. Tuy nhiên các doanh nghiệp này khó có khả năng gia tăng công suất trong thời gian tới do ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu, điều kiện thủy văn… Do vậy, các doanh nghiệp tham gia đón sóng năng lượng tái tạo sẽ hiện thực hóa được nhiều cơ hội phát triển khi thị trường năng lượng sạch được đánh giá là dư địa lớn cho việc gia tăng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra vào ngày 18/6/2020, FECON đã tuyên bố chiến lược vươn lên thành nhà thầu xây dựng công nghiệp và hạ tầng hàng đầu Việt Nam và nhà đầu tư dự án uy tín theo chuẩn quốc tế dựa trên năng lực xuất sắc về nền, móng và công trình ngầm. FECON đặt mục tiêu doanh thu Tập đoàn đạt 10.000 tỷ đồng vào năm 2025.

Theo: Báo Đầu tư

Gió là nguồn năng lượng dồi dào, xanh và sạch đối với môi trường. Từ nhiều thế kỷ trước, con người đã biết tận dụng sức gió để phục vụ sản xuất và tạo ra điện.

Tuy nhiên, có một số điều khá thú vị mà có thể chúng ta chưa biết về loại năng lượng này.

Gió là một trong những loại hình năng lượng cổ xưa nhất

Từ 5.000 năm trước Công nguyên, tác dụng của gió đã được biết đến trong chế tạo thuyền buồm. Các thủy thủ là những người đầu tiên tìm ra cách dễ dàng hơn để di chuyển trên biển, đặt nền móng cho sự hiểu biết của loài người về những khái niệm quan trọng như động lực học và lực nâng. Bắt đầu từ chiếc cối xay có cánh, những nguyên lí này trở thành chìa khóa cho sự đổi mới tiếp theo, mở màn cho cuộc cách mạng tự động hóa các hoạt động tốn nhiều thời gian trong nông nghiệp.

Ứng dụng thực tiễn của gió cũng đã được tìm thấy trong thế kỷ IX tại Iran (theo mô tả của Abu Ishaq al-Istakhri). Đó cũng là một dạng chong chóng lớn với cánh quạt có cấu trúc lưới phủ vải và hệ thống truyền động bằng dây thừng, ròng rọc… sử dụng để dịch chuyển những khối đá lớn trong xây dựng hoặc chuyển nước từ dưới thấp lên cao. Động cơ thô sơ dạng chong chóng ở Ấn Độ và Iran đều có trục quay đặt theo phương thẳng đứng, đĩa quay đặt theo phương nằm ngang.

1 MW năng lượng gió giúp giảm 2.600 tấn CO2

Theo thông tin của Phòng Thí nghiệm Năng lượng Tái tạo của Mỹ (NREL), sở dĩ điện gió được quan tâm vì 1MW điện gió được sản xuất sẽ giúp giảm khoảng 2.600 tấn CO2 phát thải ra môi trường. Thực tế là càng tiêu thụ ít nhiên liệu hóa thạch thì càng phát thải ít CO2 và giảm phát thải CO2 hiện trở thành tiêu chuẩn để theo dõi sự tiến bộ của việc áp dụng các loại hình năng lượng thay thế.

Một ví dụ điển hình như ở bang Massachusetts (Mỹ), trong năm 2004, trung bình mỗi người dân bang này thải ra 4,5 tấn CO2 từ sử dụng điện. Trong khi đó, chỉ cần 1 MW điện gió cũng có thể cấp điện cho khoảng 400 ngôi nhà mà không thải ra lượng CO2 nào. Bên cạnh việc giảm lượng phát thải CO2, điện gió cũng mang lại nhiều lợi ích hơn thủy điện, 1MW điện gió sẽ giúp tiết kiệm khoảng 1.293 triệu lít nước.

Năng lượng gió thực tế là năng lượng mặt trời

Nguồn gốc của loại năng lượng xanh vô tận này chính là từ mặt trời. Ánh sáng mặt trời làm ấm hành tinh của chúng ta, nhưng vì Trái đất chuyển động liên tục, bề mặt Trái đất cũng không bằng phẳng khiến nhiệt độ ở mỗi nơi khác nhau.

Sự chênh lệch về nhiệt độ gây ra những bất thường trong áp suất khí quyển; các phân tử khí sẽ di chuyển từ khu vực khí áp cao đến khu vực khí áp thấp, hình thành nên gió. Cường độ, thời gian thổi và hướng của gió lại chịu ả2718nh hưởng của một số yếu tố như thời tiết, thảm thực vật, bề mặt nước và địa hình.

Tất cả những yếu tố dễ biến đổi này tạo nên sự khó đoán của gió và trở thành một trong những lý do cho sự quan ngại rằng gió không bao giờ đủ ổn định để cung cấp cho nhu cầu năng lượng của con người. Những loại gió có thể dự đoán hầu hết đều thổi quanh khu vực gần bờ biển làm chi phí xây dựng các trang trại gió cũng tăng lên.

Điện gió không đe dọa đến các loài chim

Một trong những quan ngại chủ yếu của các ý kiến phản đối điện gió là sự nguy hiểm của các tuabin gió với các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim. Tuy nhiên, dù có kích thước khổng lồ và tốc độ nguy hiểm nhưng những tuabin gió không hề gây ảnh hưởng đến môi trường hoang dã, hay đường bay của loài chim. Nghiên cứu của Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ khẳng định số lượng chim tử vong do các trang trại gió chỉ chiếm một số lượng không đáng kể trong tổng số lượng chim bị chết do con người gây ra.

Sản lượng điện gió thế giới tăng 4 lần từ năm 2000 đến 2006

Sản lượng điện gió đã tăng nhanh chóng từ năm 2000 đến 2006. Kể cả trong năm kinh tế thế giới suy thoái trầm trọng 2009, ngành công nghiệp điện gió vẫn phát triển mạnh mẽ. Chỉ riêng năm này, sản lượng điện gió thế giới đã tăng đến mức 158.000MW. Điện gió hiện nay đã đủ khả năng đáp ứng nhu cầu điện năng của 250 triệu người và hơn 70 quốc gia đã có trang trại điện gió.

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, việc chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo (không chỉ riêng gió) đòi hỏi kinh phí hơn 12 nghìn tỷ USD. Cam kết này không dễ dàng thực hiện trong hai thập niên tới, đặc biệt là khi nguồn nguyên liệu truyền thống vẫn tương đối rẻ. Vì vậy, để duy trì sự tăng trưởng như từ năm 2000 đến 2006, các chính phủ cần có thêm nhiều ưu đãi hơn để khuyến khích phát triển điện gió.

Theo: petrotimes.vn

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang tăng theo tốc độ tăng trưởng. Ngày càng xuất hiện nhiều dự án năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hóa thạch. Bên cạnh đó, do hạn chế trong truyền tải điện, một số dự án năng lượng tái tạo đóng băng, đồng nghĩa với việc phải nhập khẩu điện và ô nhiễm môi trường tiếp tục tăng cao từ các nhà máy nhiệt điện. Đây là bài toán đặt ra với Chính phủ nhằm tìm ra phương án hiệu quả khai thác nguồn năng lượng tái tạo.

Ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển liên tục của Việt Nam, việc tiếp cận nguồn năng lượng tin cậy, giảm thiểu chi phí, sẽ là yếu tố quan trọng để tăng trưởng kinh tế bền vững. Việc đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu như đã đặt ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ phụ thuộc nhiều vào lộ trình phát triển của các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Năng lượng tái tạo là các dạng năng lượng thu được từ môi trường tự nhiên hoặc từ các nguồn có thể được bổ sung một cách tự nhiên. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời là một thí dụ về nguồn năng lượng vô tận, không ảnh hưởng đến môi trường khi khai thác hay nói cách khác, đây là hai nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Tài nguyên tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, gió, thác nước, sức nóng của trái đất (địa nhiệt), sinh khối, sóng, dòng hải lưu, chênh lệch nhiệt độ trong đại dương và năng lượng thủy triều. Về cơ bản, quá trình biến đổi nguồn năng lượng tự nhiên thành năng lượng tái tạo là bằng cách sử dụng các thiết bị kỹ thuật chuyển đổi năng lượng. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, năng lượng mặt trời đang được khai thác tích cực, dẫn đầu xu thế tái tạo năng lượng.

Những người từng nghe qua khái niệm của năng lượng sạch thường nghĩ nó thuộc ngành năng lượng tái tạo, nhưng điều này chưa chuẩn xác. Năng lượng sạch là năng lượng không gây hiệu ứng nhà kính, không gây ô nhiễm trong quá trình chuyển đổi. Nguồn năng lượng này không hề gây ô nhiễm môi trường. Còn năng lượng tái tạo mới là tác nhân gây ra vấn đề này, mặc dù có hạn chế. Nói cách khác, năng lượng sạch là năng lượng tái tạo, nhưng năng lượng tái tạo lại không phải là năng lượng sạch.

Tính tới thời điểm hiện tại ở Việt Nam, nhiệt điện than và thủy điện đang chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất điện. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, giai đoạn 2011-2020, xét đến 2030, đã đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển năng lượng tái tạo. Với tổng số giờ nắng cao lên đến hơn 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía nam là điều kiện tốt để phát triển công nghệ năng lượng mặt trời.

Hệ thống năng lượng mặt trời.

Việt Nam phát triển thành công nhiều dự án năng lượng mặt trời với hơn 100 dự án đã kí hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tổng công suất hiện tại của các nhà máy điện mặt trời đã đưa vào vận hành xấp xỉ 6.000MW, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền nam, cụ thể là Nam Trung Bộ. Ninh Thuận và Bình thuận là hai tỉnh tập trung nhiều dự án, chiếm tới hơn 42%. Với nhiều lợi ích mang lại cho Chính phủ cũng như cộng đồng, điện mặt trời áp mái đã được người dân, doanh nghiệp quan tâm.

Với lợi thế đường biển dài hơn 3.200km và tốc độ gió trung bình ở Biển Đông Việt Nam hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, phát triển năng lượng gió ở Việt Nam có triển vọng rất lớn, nhất là vùng duyên hải miền trung, Tây Nguyên và các đảo.

 Nhà máy điện gió Ninh Thuận.

Hiện nay, có chín nhà máy (trang trại) điện gió đang vận hành với tổng công suất 304,6MW, trong đó lớn nhất là trang trại điện gió Bạc Liêu với gần 100MW, nhỏ nhất là nhà máy điện gió Phú Quý 60MW nối lưới độc lập (không nối lưới điện quốc gia) trên đảo Phú Quý (Bình Thuận), còn lại là 7 nhà máy điện gió quy mô công suất nhỏ dưới 50 MW.

Song, phát triển điện gió đang tiến từng bước khá chậm mà nguyên nhân do có quá nhiều rào cản, khó khăn về pháp lý, kỹ thuật, kinh phí và nhân lực. Có thể nói, khá ít dự án điện gió triển khai thành công. Số còn lại còn rất chậm vì chỉ được ngân hàng giải ngân một phần hoặc có giấy phép nhưng chưa có đầu tư. Nhưng lý do chính khiến ít doanh nghiệp đầu tư là giá mua điện còn quá thấp trong khi chi phí kết nối mạng điện khá cao.

Ngoài năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối (NLSK) chưa được nhiều người hiểu rõ và biết đến.

Sinh khối là một thuật ngữ có ý nghĩa bao hàm rất rộng dùng để mô tả các vật chất có nguồn gốc sinh học vốn có thể được sử dụng như một nguồn năng lượng. Với định nghĩa như vậy, sinh khối bao gồm thực vật, động vật, cũng bao gồm cả những chất thải từ quá trình sinh hoạt của con người hay công nghiệp.

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn NLSK bao gồm gỗ, phế thải – phụ phẩm nông nghiệp, rác thải đô thị và các chất thải hữu cơ khác. Mặc dù vậy, hiện chỉ có bã mía tại các nhà máy đường có nguồn nguyên liệu đủ lớn để phát điện nhưng chỉ bán được với giá khoảng hơn 800 đồng/kWh (4 cent/kWh).

Cuối năm 2013, Bộ Công thương đã trình Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ sản xuất điện từ năng lượng sinh khối. Theo đó, mức giá cao nhất mà ngành điện mua lại điện được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sinh khối lần lượt là 1.200 – 2.100 đồng/kWh. Mức giá như đề xuất trên sẽ góp phần tạo động lực cho việc phát triển nguồn điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối ở nước ta. NLSK không chỉ tạo ra năng lượng mà còn góp phần xử lý chất thải, tận dụng chất thải, tạo ra năng lượng. Rào cản lớn nhất để tiếp cận và khai thác nguồn năng lượng này chính là công nghệ và chi phí thiết bị đắt đỏ.

Theo: Báo Nhân Dân

Với những đặc điểm lợi thế về tính thuận tiện, giá thành và khả năng ứng dụng sâu trong thực tiễn nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm thiếu các tác động xấu tới môi trường, năng lượng gió đang được triển khai ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam.

Với những lợi ích thực tiễn, mô hình khai thác năng lượng gió đang được triển khai rộng khắp tại Việt Nam

1. Năng lượng gió thiếu tính ổn định

Đây là quan niệm sai lầm dễ thấy nhất khi nhận định về nguồn năng lượng này. Thực tế, vẫn còn có nhiều cách để lấy điện vào ngày lặng gió. Ngoài ra, các nhà máy sản xuất có thể sử dụng pin dung lượng cao nhằm tích trữ năng lượng gió để sử dụng khi cần thiết. Dự báo thời tiết chính xác hơn cũng làm giảm nhu cầu truyền thống về nguồn dự trữ lớn.

2. Tua bin gió rất ồn

Thực tế không phải vậy. Công nghệ năng lượng gió đã được cải tiến để giảm thiểu tiếng ồn cơ học. Nói chung, địa điểm lắp đặt tuabin gió cách xa nơi ở ít nhất 300 mét. Tại vị trí này, âm thanh “vo ve” do các cánh tuabin tạo ra là khoảng 43 decibel. Ở khoảng cách 500 mét, tiếng ồn sẽ giảm xuống 38 decibel. Tiếng ồn do tủ lạnh tạo ra là khoảng 40 decibel, trong khi tiếng ồn do máy sấy tóc tạo ra là 80 đến 90 decibel.

3. Năng lượng gió rất đắt

Đó là trước đây, còn hiện nay tình hình đã thay đổi. Khi giá cả giảm và hiệu quả kỹ thuật được cải thiện, điện năng được tạo ra từ năng lượng gió hiện có thể cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống.

Kể từ năm 2008, giá tuabin gió đã giảm từ 20% đến 40%. Ở một số nơi, chẳng hạn như Colorado (Mỹ), năng lượng gió đang thay thế các nhà máy điện truyền thống. Tại Việt Nam, các hệ thống nhà máy khai thác năng lượng gió hiện đã được triển khai ở một số tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Tây Nguyên, Quảng Ninh…

4. Tua bin giết dơi và chim và gây hại cho môi trường

Không hoàn toàn đúng. Chim và dơi thực sự có thể bay vào tuabin, nhưng các trang trại điện gió của một số quốc gia đã hợp tác với các tổ chức môi trường và động vật hoang dã để giảm tác động của các trang trại gió đối với động vật hoang dã.

Nhằm hạn chế sự va chạm, việc bổ sung kiến thức về hành vi của động vật hoang dã có thể giúp bảo vệ các loài chim và dơi. Ví dụ, giữ cho cánh tuabin đứng yên trong giờ hoạt động của dơi có thể giảm một nửa số dơi chết. Các công nghệ kháng âm, radar và ảnh nhiệt cũng đang được nỗ lực để bảo vệ các loài động vật hoang dã.

5. Gió là một nguồn năng lượng không liên quan

Không đúng. Năng lượng gió đã trở thành nguồn năng lượng sạch đơn lẻ lớn nhất ở Mỹ, và đã vượt qua thủy điện về công suất lắp đặt. Năng lượng gió đang phát triển ở các bang nhiều gió, đặc biệt là ở Texas và Trung Tây.

Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, 60% công suất phát điện quy mô tiện ích mới được bổ sung trên lưới điện trong năm 2016 đến từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Trên thực tế, năng lượng gió đã được sử dụng trong hàng nghìn năm với các ứng dụng trong sinh hoạt và đời sống hàng ngày như bơm nước, xay hạt và bây giờ được sử dụng để phát điện.

Theo ước tính, một tuabin gió có thể cung cấp điện cho 500 hộ gia đình. Không giống như hầu hết sản xuất điện quy mô tiện ích, sản xuất điện gió hầu như không cần nước.

Ngoại trừ Trung Quốc, Mỹ sản xuất nhiều năng lượng gió hơn bất kỳ quốc gia nào khác, hiện nguồn năng lượng sạch này cũng bắt đầu được chú trọng và triển khai tại các khu vực có điều kiện phù hợp của Việt Nam.

Với những đặc điểm lợi thế về tính thuận tiện, giá thành và khả năng ứng dụng sâu trong thực tiễn, nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường. Những chính sách liên quan đến việc tạo điều kiện để phát triển và khai thác mở rộng nguồn năng lượng gió đang được các bộ, ngành liên quan thúc đẩy tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Theo: Vietnamnet

Ngày 16/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương làm việc với Công ty CP Thủy điện Mai Châu (Hòa Bình) về việc khảo sát dự án điện gió tại các xã: Tuấn Đạo, Dương Hưu (Sơn Động), Huyền Sơn (Lục Nam) và dự án nuôi bò thịt thương phẩm công nghệ sạch tại huyện Tân Yên.

Tại buổi làm việc, ông Lê Trường Thủy, Giám đốc công ty – đại diện nhà đầu tư thông tin về năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm triển khai điện gió. Theo đó, doanh nghiệp (DN) có nhiều năm liên doanh, hợp tác với Công ty Enertrag Aktiengesellschaft (Cộng hòa Liên bang Đức) và đã thực hiện nhiều dự án điện gió thành công ở một số tỉnh phía Nam.

Qua nghiên cứu sơ bộ cho thấy, sức gió của Bắc Giang phù hợp với phát triển điện gió. Do đó, DN muốn được khảo sát cụ thể, nghiên cứu kỹ địa hình để đầu tư dự án nhà máy điện gió tại Bắc Giang với tổng công suất dự kiến 300MW.

Ngoài ra, với thế mạnh sẵn có, công ty mong được triển khai dự án nuôi bò thương phẩm công nghệ sạch ở xã Tân Trung (Tân Yên) kết hợp với sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Dự án nuôi bò dự kiến chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 quy mô 1 – 2 nghìn con đầu tư khoảng 50 tỷ đồng; giai đoạn 2 gồm 5 nghìn con, đầu tư 100 tỷ đồng; giai đoạn 3 lên tới 10 nghìn con, đầu tư 200 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương (bên phải) làm việc với đại diện Công ty CP Thủy điện Mai Châu

Qua nghe đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh, hiện nay sản xuất điện gió đang được Chính phủ khuyến khích bởi không chỉ tạo ra nguồn năng lượng sạch mà còn tạo cảnh quan tại khu vực thực hiện. Hơn nữa, việc nghiên cứu lập quy hoạch và thực hiện dự án đầu tư sản xuất điện gió là phù hợp với định hướng phát triển năng lượng, thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thông tin, hiện Bắc Giang đã có một DN đăng ký đầu tư điện gió song không trùng với vị trí Công ty CP Thủy điện Mai Châu đề xuất. Vì thế, tỉnh nhất trí cho DN vào khảo sát đầu tư. Ông Lê Ánh Dương giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn phụ trách nội dung này; chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp tạo điều kiện cho DN thực hiện các trình tự theo quy định.

Trích nguồn: Báo Bắc Giang

 

 

 

Ngày 9/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Lễ công bố triển khai “Hóa đơn tiền điện ứng dụng QR code”.
Đây là sự kiện đánh dấu quá trình tiếp tục ứng dụng các công nghệ, giải pháp mới để mang lại sự thuận lợi nhất cho khách hàng sử dụng điện trên cả nước. Việc triển khai áp dụng QR code theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước thể hiện nỗ lực của Tập đoàn trong việc không ngừng cải tiến, đưa dịch vụ điện đến với khách hàng ngày càng thuận lợi, công khai, minh bạch hơn trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần đẩy mạnh việc xây dựng nền kinh tế số. Đây là sự kiện nằm trong Tháng tri ân khách hàng năm 2020 và hướng tới kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống ngành điện lực Việt Nam (21/12/1954 – 21/12/2020).
EVN công bố triển khai hóa đơn tiền điện và các hồ sơ dịch vụ điện ứng dụng QR code

Trong những năm gần đây, EVN đã liên tục đổi mới công tác dịch vụ khách hàng với mục tiêu ngày càng thân thiện và hiện đại. Năm 2015, EVN áp dụng hoá đơn điện tử cho toàn bộ khách hàng. Từ ngày 21/12/2018, EVN cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến ở cấp độ 4 và triển khai ký kết Hợp đồng điện tử đối với Hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện năng từ 12/12/2019. Trong tháng 12 năm 2019, EVN cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Vào tháng 3/2020, EVN tiếp tục công bố mẫu hóa đơn tiền điện mới, dễ theo dõi và thân thiện hơn cho khách hàng.

Sự kiện triển khai QR code lần này khẳng định EVN là một trong những doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong việc cải cách để đưa các dịch vụ, hồ sơ nghiệp vụ theo hướng áp dụng các giao dịch điện tử với mức độ bảo mật cao hơn, đảm bảo an toàn về thông tin cho mọi khách hàng.

Các đại biểu thực hiện nghi thức kích hoạt triển khai hoá đơn điện tử ứng dụng QR Code

Bắt đầu từ tháng 1/2021, EVN triển khai ứng dụng QR code theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước cho tất cả khách hàng sử dụng điện, mỗi khách hàng sẽ có một mã QR code của mình. Mã QR code này sẽ gắn liền với mỗi khách hàng, được áp dụng trên toàn bộ hồ sơ khách hàng, trên hóa đơn tiền điện và thông báo tiền điện. Khách hàng cũng không cần phải nhớ mã số khách hàng khi thực hiện giao dịch với EVN, đồng thời việc thanh toán cho các dịch vụ điện năng của khách hàng trở nên đơn giản hơn, thuận tiện hơn.

Khi thực hiện thanh toán, khách hàng chỉ cần quét mã QR và nhập số tiền, giao dịch thanh toán sẽ hoàn thành nhanh chóng mà không cần khai báo thông tin người dùng. Bên cạnh đó, khách hàng có thể lưu trữ thông tin thanh toán trên điện thoại di động cá nhân, thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi chỉ với một thao tác quét mã QR code. QR code được áp dụng theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước giúp khách hàng yên tâm hơn khi thực hiện các giao dịch thanh toán dịch vụ điện năng với hai lớp bảo mật cùng định dạng đặc biệt của QR code. Còn với phía ngành điện, việc áp dụng QR code sẽ góp phần tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả cao hơn trong công tác kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng.

Tính đến thời điểm hiện nay, các đơn vị điện lực thuộc EVN đã hợp tác với trên 30 ngân hàng, 10 tổ chức trung gian thanh toán và gần 10.000 tổ chức, cá nhân dịch vụ bán lẻ điện năng để thực hiện việc thu tiền điện trong điều kiện thường xuyên đảm bảo tỷ lệ thu ở mức cao trên 99,7% hàng năm. Về thanh toán không dùng tiền mặt, hiện nay các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán góp phần thu tiền điện trên 20,36 triệu khách hàng, chiếm tỷ lệ 74,44% về số lượng hóa đơn và 93,68% về số tiền; các tổ chức, cá nhân dịch vụ bán lẻ điện năng thu bình quân gần 5,85 triệu khách hàng, chiếm tỷ lệ 21,38% về số lượng hóa đơn và 4,46% về số tiền. Nếu xét chung về tỷ lệ thanh toán tiền điện: số khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt hiện nay đạt 70,25%; số tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 91,54%.

Đại diện EVN giới thiệu về QR code trên hóa đơn điện tử

Theo đánh giá của tư vấn độc lập, sự hài lòng của khách hàng đối với những dịch vụ điện ngày càng tăng lên, đồng thời cũng được đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế. Hiện nay, EVN đang tiếp tục tập trung thực hiện Đề án Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh và Đề án chuyển đổi số. EVN định hướng tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm phấn đấu đưa EVN sớm trở thành doanh nghiệp số và xây dựng một Tập đoàn kinh tế hiện đại, phát triển bền vững, hiệu quả.

Nguyên tắc cơ bản để phân biệt các loại năng lượng là sự phân biệt giữa “năng lượng sơ cấp” và “năng lượng cuối cùng”, có tác động lớn đến việc lựa chọn chính sách năng lượng. Tạp chí Năng lượng Mới giới thiệu bài viết của Samuel Furfari, giáo sư tại Đại học Tự do Brussels (ULB), về vấn đề này.

Sự khác biệt về năng lượng

Năng lượng sơ cấp là năng lượng thô có trong các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than, dầu, khí đốt, uranium, sinh khối, gió, mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Trong hầu hết các thống kê trên thế giới, năng lượng sơ cấp đến từ các nguồn được phân bố rộng rãi trong các nhóm dân cư nghèo nhất – đó là gỗ và chất thải gỗ, rơm rạ, than củi, phân động vật sấy khô – không được tính.

Lâu nay người ta vẫn đánh đồng năng lượng tái tạo chỉ là liên quan đến điện gió và mặt trời

Vì năng lượng sơ cấp thường không dễ sử dụng (dầu từ giếng không thể được đưa trực tiếp vào động cơ…), nó cần được chuyển đổi chủ yếu trong các nhà máy điện và nhà máy lọc dầu. Ở mỗi giai đoạn biến đổi, năng lượng sẽ suy giảm. Cần lưu ý rằng, trong một số trường hợp nhất định, năng lượng sơ cấp có thể sử dụng được mà không chuyển hóa, ví dụ như khi khí đốt tự nhiên hoặc gỗ được đốt để sưởi ấm…

Năng lượng cuối cùng được cung cấp cho người tiêu dùng cuối cùng. Do đó, lượng năng lượng cuối cùng luôn thấp hơn lượng năng lượng sơ cấp (tổn thất liên quan đến các quy trình chuyển hóa có thể và vận chuyển). Năng lượng cuối cùng thường đáp ứng mục đích sử dụng: Sản xuất hơi nóng và hơi lạnh, được gọi là “sử dụng cố định”, cho nhu cầu sinh hoạt (sưởi ấm, đun nước nóng sinh hoạt hoặc làm mát nhà) hoặc cho công nghiệp (lò nướng công nghiệp…), sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch hoặc sinh khối (gỗ).

Bên cạnh đó, giao thông vận tải phụ thuộc 94% vào các sản phẩm dầu mỏ (sản phẩm đạt được sau quá trình chuyển hóa dầu thô trong nhà máy lọc dầu). Điện được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch (bên cạnh điện hạt nhân, thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo khác).

Năng lượng qua những thống kê

Hầu hết dữ liệu về năng lượng được sử dụng đến từ Eurostat của Ủy ban châu Âu (EC), nơi thu thập và xử lý số liệu thống kê từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Có nhiều cơ sở dữ liệu khác: Enerdata, Cơ quan Năng lượng quốc tế, đánh giá thống kê của BP (một trong những nguồn thông tin tốt nhất về năng lượng, được các tổ chức phi chính phủ về môi trường sử dụng), Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ…

Biểu đồ mô tả mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở châu Âu năm 2018

Trong EU (không bao gồm Anh), hơn 1/3 năng lượng bị tiêu hao trong quá trình chuyển từ năng lượng sơ cấp thành năng lượng cuối cùng, theo dữ liệu mới nhất của Eurostat công bố tháng 7-2020.

Cũng cần lưu ý rằng, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong các chỉ thị của châu Âu được biểu hiện bằng % trên tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Do đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo này có thể tăng bằng cách tăng tử số, tức là bằng cách tạo ra nhiều năng lượng tái tạo hơn, hoặc bằng cách giảm mẫu số, tức là bằng cách giảm tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 đã dẫn đến việc giảm tiêu thụ năng lượng cuối cùng, do đó sẽ giúp EU có thể tiếp cận mục tiêu 20% năng lượng tái tạo vào năm 2020.

Trong trí tưởng tượng của mọi người, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông, năng lượng thường được liên tưởng đến điện năng. Theo nhiều người, tỷ lệ năng lượng tái tạo không liên tục (điện gió, mặt trời…) ngày càng tăng và đôi khi tăng rất đáng kể, nhưng họ không biết rằng, điện chỉ chiếm 23% năng lượng tiêu thụ cuối cùng vào năm 2018. Nói cách khác, khi chúng ta chỉ quan tâm đến điện năng, chúng ta đã bỏ qua hơn 3/4 năng lượng mà chúng ta tiêu thụ. Dĩ nhiên, chúng ta kỳ vọng trong trung hạn sẽ có nhiều điện năng tiêu thụ cuối cùng hơn và do đó tỷ trọng này sẽ tăng lên. Nhưng liệu chúng ta có thể nghĩ một cách hợp lý rằng, chúng ta cũng sẽ sưởi ấm 180 triệu ngôi nhà ở châu Âu bằng các nguồn điện tái tạo không liên tục?

Hãy xem xét kỹ hơn về dữ liệu điện. Năng lượng tái tạo chiếm khoảng 1/3 sản lượng điện năm 2018 (theo số liệu mới nhất của Eurostat) và riêng thủy điện chiếm 38% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (thuật ngữ “năng lượng tái tạo” thường bị coi là đồng nghĩa với điện gió và điện mặt trời một cách nhầm lẫn). Nhiều người đang lên tiếng đề nghị không nên coi lĩnh vực thủy điện là năng lượng tái tạo, bởi vì nó phá vỡ môi trường, bằng cách làm ngập vùng thượng nguồn khi tích nước và làm lụt các vùng hạ nguồn khi xả nước.

Vào năm 2018, năng lượng tái tạo được nói rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng chỉ chiếm 2,5% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở trong các quốc gia thành viên EU (1,4% ở Pháp, 1,8% ở Bỉ và 4,3% ở Đức…).

Tỷ lệ năng lượng tái tạo đã tăng lên đáng kể ở châu Âu trong nửa đầu năm 2020, trong khi tiêu thụ điện giảm khoảng 7% trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng Covid-19. Điện gió và điện mặt trời được nối vào mạng lưới cũng tăng do được hưởng lợi từ điều kiện thời tiết thuận lợi. Tổng cộng, điện gió và điện mặt trời chiếm gần 20,2% sản lượng điện ở EU trong nửa đầu năm 2020, theo số liệu từ Ember (vẫn ít hơn điện hạt nhân, nguồn điện chính của EU).

Năm 2018, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 2,5% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở trong các quốc gia thành viên EU (1,4% ở Pháp, 1,8% ở Bỉ và 4,3% ở Đức…). Trong nửa đầu năm 2020, điện gió và điện mặt trời chiếm gần 20,2% sản lượng điện ở EU, theo số liệu từ Ember.

Theo: nangluongquocte.petrotimes.vn